Nội Dung Chính
Theo thống kê của trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC đến tháng 6/2011, tỉ lệ số dân sử dụng Internet tại Việt Nam đạt khoảng 33,75%.
Đây là yếu tố tiềm năng để thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam phát triển.
Hơn 1 năm trước, tỷ trọng ngân sách cho các kênh truyền thông truyền thống (ti vi, báo in, đài phát thanh…) và truyền thông trực tuyến dao động trong khoảng 95% – 5%, thì nay con số này đang chuyển dịch 80% – 20%.
Thậm chí có nhiều DN chi đến 50% trong ngân sách tổng thể cho truyền thông trực tuyến, trong đó hình thức banner chiếm khoảng 80%”.
Bà Vũ Kim Oanh, tổng giám đốc Công ty FIFTH iMEDIA, cho biết: “Nhu cầu quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp (DN) tăng khá nhanh. Còn bà Phan Thị Hoài Hương, phụ trách đối ngoại Báo Phụ Nữ Online (PNCo) thì: so với 2 năm trước nhu cầu QCTT của PNO hiện tại tăng gấp 3 lần, và banner được xem là hình thức quảng cáo chủ lực…
Nhưng gần đây, xu hướng kết hợp banner với bài viết quảng bá và đưa thông tin lên Newsletter (bản tin gởi qua email dạng trang web) đang tăng lên.
Nhu cầu chọn QCTT của các nhóm khách hàng cũng có sự khác biệt lớn. Nhóm các công ty quảng cáo lớn hay công ty nước ngoài thường nhắm vào các banner ở vị trí đẹp, có thể kết hợp với Minisite (website chỉ dùng QC sự kiện trong thời gian ngắn) với các hoạt động online khác như tổ chức cuộc thi. Nhóm DN vừa và nhỏ chú trọng hiệu quả thực tế của chiến dịch QC và thường chọn các gói QC kết hợp nhiều hình thức.
Theo ông Đồng Phước Vinh, chuyên viên phòng Nghiên cứu và Phát triển R&D – Văn phòng phía Nam Hiệp hội Thương mại điện tử VN, nhiều DN trước đây không quan tâm đến QCTT thì nay đã chuyển sang thử nghiệm với hình thức này.
Một số khác tìm đến kênh QCTT vì ngân sách hạn chế.
Dù thử nghiệm hay chọn vì lý do khác, sau một thời gian sử dụng, DN dần dần thấy được lợi ích của kênh truyền thông này. Họ tích lũy kinh nghiệm tổ chức các chiến dịch quảng bá trên Internet hiệu quả hơn.
Nếu trước đây, QCTT thường bó hẹp với loại hình gắn banner lên website thì nay, các DN thường chọn mô hình kết hợp nhiều hình thức như banner, QC từ khóa với Goggle Adwords, tạo trang trên Facebook, sử dụng Email Marketing/ Newsletter hay bài viết quảng bá trên báo chí…
Ông Nguyễn Bảo Trung, Giám đốc Công ty truyền thông Box Media thì cho rằng nhiều trang tin tức trực tuyến liên tục ra đời do mức độ quan tâm của độc giả đối với các banner QC ngày càng cao.
Bên cạnh đó, hình thức Text Link (QC theo cách đặt từ khóa kèm link), hay CPM (tính phí theo 1.000 lượt xem), CPC (tính theo lượt click), CPA (tính phí trên thao tác người dùng) đang dần thịnh hành hơn vì DN mua QC dạng này có thể thể kiểm soát được lượng truy cập.
QCTT thông qua từ khóa trên Google, Yahoo… tiếp tục phát triển mạnh vì tính hiệu quả và chi phí hợp lý.
Lý do chính khiến DN hiện nay ưa chuộng hình thức này chính là hiệu quả truyền thông và vấn đề chi phí cho hoạt động tiếp thị. Hiện nay, xu hướng cung cấp các chiến dịch quảng cáo nhiều hình thức với chi phí hợp lý đang được một số DN cung cấp dịch vụ QCTT, báo điện tử chú trọng đẩy mạnh, chủ yếu nhắm tới đối tượng DN vừa và nhỏ, ngân sách quảng cáo không dồi dào.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc tiếp thị Công ty nệm Vạn Thành, cho biết: “Trong cơ cấu ngân sách dành cho tiếp thị, Vạn Thành luôn ưu tiên 70% dành cho kênh online. Qua đo lường từ các chiến dịch đã thực hiện thí điểm, kênh QCTT đã tiết kiệm cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm mà lượng người tiêu dùng lại gia tăng đáng kể. Đồng thời, ở các thành phố lớn, họ cũng đã dần chuyển từ mua tại cửa hàng sang mua sắm online.
Do đó, kênh tiếp thị online sẽ là kênh chủ lực của Vạn Thành”.
Tuy nhiên, không phải cứ chọn bất cứ kênh QCTT nào cũng tiết kiệm. Theo ông Nguyễn Bảo Trung, một số vị trí đặt banner trên các trang tin tức nổi tiếng hiện nay lại rất đắt đỏ.
Chi phí QC cao nhưng nhiều khi số lượt click không cao khiến các chương trình QC của khách hàng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Do đó, để mang lại giải pháp tiết kiệm, DN cần khôn khéo chọn hình thức đăng QCTT nào phù hợp với ngân sách.
“Chúng tôi thường chọn đặt banner của khách hàng trên các website không quá nổi tiếng, đắt tiền, mà chỉ chọn những website chuyên ngành hoặc đúng phân loại đối tượng khách hàng quan tâm. Như vậy chi phí rẻ nhưng hiệu quả hơn”, ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Giám đốc công ty Thương hiệu Điện tử (Ebrand), hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, cho biết.
Chính sự phát triển của thị trường trực tuyến và sự ưa chuộng của doanh nghiệp mà hiện nay nhu cầu nhân lực về Internet Marketing đang ngày càng tăng cao. Theo Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Marketing, Trung tâm đào tạo EduFirst, chuyên gia tư vấn nhân sự cho DN, về cung – cầu trong nguồn nhân lực, có thể thấy hiện nay nguồn cung chưa đáp ứng được cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Yêu cầu đối với nhân viên tiếp thị trực tuyến là phải nắm vững về marketing, vừa phải hiểu biết kỹ thuật khi sử dụng các công cụ trên Internet để làm truyền thông. Đây là một vấn đề lớn mà chính những người đang làm Internet Marketing cũng đang “mò mẫm” tìm đường.
Cũng bởi do khó tìm được vị trí chuyên gia giàu kinh nghiệm nên hiện nay vị trí được tuyển dụng nhiều nhất trong lĩnh vực này vẫn chỉ dừng lại ở cấp độ nhân viên. Hiện nay vẫn chưa có một hướng đi rõ ràng, bài bản cho người làm Internet Marketing. Tuy nhiên, đây là giai đoạn “quá độ” cho sự bùng nổ và phát triển trong tương lai gần.
Bà Nguyễn Mai Vi, Giám đốc điều hành công ty Tìm Việc Nhanh, cho biết: “Nhu cầu công việc làm trực tuyến, hoặc hợp tác theo dự án về quảng cáo trực tuyến đang có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho vị trí cấp cao quảng cáo trực tuyến không đáp ứng đủ vì kinh nghiệm còn quá ít và chỉ tuyển được vị trí nhân viên. Bình quân, mỗi tháng tại timviecnhanh.com, nhu cầu cần tuyển khỏang 200 nhân sự là các giám đốc và nhân viên tiếp thị trực tuyến nhưng chỉ 60% DN tuyển được người phù hợp, còn lại phải tuyển dụng các vị trí marketing hoặc kỹ thuật web và gửi đào tạo thêm về quảng cáo trực tuyến để phục vụ cho nhu cầu DN”.
Trước đây, một số chủ DN dùng hình thức QCTT trông có vẻ “sang trọng” hay “để cả thế giới biết đến bạn”. Giờ thì họ quan tâm dịch vụ cụ thể đến từng dịch vụ, hình thức quảng bá khiến người xem phải “hành động” như liên hệ mua hàng hay ít ra cũng click vào website của DN.
Muốn sử dụng kênh QCTT hiệu quả, DN phải chú trọng yếu tố tương tác với khách hàng. Có trường hợp, một DN bán quần áo trẻ em qua website ký hợp đồng với dịch vụ tạo trang Facebook và mời 10.000 fan cho trang của họ. Trong 1 tháng, số lượng fan vượt qua con số cam kết nhưng chẳng có fan nào truy cập vào website DN để mua hàng. DN ngưng dùng dịch vụ này và chuyển sang dùng Email Marketing nhắm vào nhóm phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi là nhân viên công sở. Kết quả sau 3 tuần, họ có 800 người đăng ký mua hàng hoặc là thành viên. Chứng tỏ một dịch vụ hay chiến dịch quảng bá online chỉ thật sự có giá trị khi tạo ra được sự tương tác từ người xem quảng cáo.
Với các dấu hiệu khả quan về sự phát triển của Internet như hiện nay, ví dụ số lượng người dùng Internet vẫn tiếp tục tăng nhanh (hơn 26 triệu người dùng), tần suất ngồi bên máy tính online duy trì dày đặc khoảng từ 4-5 tiếng/ngày, thói quen xem ti vi, đọc báo dần được thay thế bằng lướt mạng check mail, đọc tin, nghe nhạc, chat, tìm kiếm… thì tôi chắc rằng không ai có thể phủ nhận về tương lai có tính bùng nổ của kênh quảng cáo trực tuyến.
Hiện nay hầu như khách hàng của doanh nghiệp đều hiện diện trên mạng, tạo nên một thị trường thứ hai thông qua website, forum, mạng xã hội, blog … xuất hiện bên cạnh thị trường thực ngoài đời. So với các hoạt động truyền thông khác, Internet Marketing có tốc độ lan truyền theo cấp số nhân và nguồn thông tin rất đa dạng, phong phú. Sự tương tác trực tiếp đến từng cá nhân đã khiến cho “thế giới phẳng” trở thành một môi trường truyền thông hiệu quả.
Tại Việt Nam, hình thức QCTT được ưa chuộng là banner (Display Ads) vì đơn giản và dễ hiểu, tương tự hình thức quảng cáo truyền thống. Doanh thu quảng cáo banner ở Việt Nam chiếm khoảng 80% tổng doanh thu QCTT, trong khi tỉ lệ này tại Mỹ là 20%. Trong khi các cá nhân, các DN nhỏ và vừa rất hào hứng với QCTT thì nhiều DN lớn vẫn chưa đầu tư nhiều cho công cụ này. Ngân sách marketing trực tuyến tại Việt Nam năm 2010 ước khoảng 2% tổng ngân sách marketing, rất nhỏ nếu so sánh với tiềm năng thị trường 30% dân số online.