Tiếp thị tại điểm bán: Cuộc chơi ba bên cùng có lợi

0
2002

Nội Dung Chính

“Mười năm đồng hành cùng các nhãn hàng, tôi thấu hiểu nỗi khổ của họ khi bán hàng với chính sách bán đứt, có đổi trả trong hệ thống siêu thị”, bà Trần Thị Lan Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Goldsun Focus Media (GFM), chia sẻ tại sự kiện tiếp thị di động MMA 2015 diễn ra tại TP.HCM mới đây.

Được tổ chức hôm 30.10 vừa qua, diễn đàn quốc tế MMA đã trở lại Việt Nam và thu hút hơn 400 doanh nghiệp tham dự. Với chủ đề “Thu hút, Tiếp cận và Kết nối tới Đúng khách hàng mục tiêu”, các chuyên gia đã bàn về cách khai thác tiếp thị di động (mobile marketing) để tạo doanh thu đột phá cho nhãn hàng ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong đó, ứng dụng tiếp thị trên di động tại điểm bán Mobile Instant App của GFM được đánh giá là một công cụ mới hữu ích.

Giải pháp 3 bên cùng có lợi: Điểm bán lẻ, Nhãn hàng và Người tiêu dùng

Hiện nay, trung bình một siêu thị phức hợp lớn có khoảng hơn 60.000 nhãn hàng trên kệ. Con số này là 20.000 nhãn hàng ở các siêu thị có diện tích nhỏ hơn 1.000m2. Điều này đòi hỏi các thương hiệu phải lên cùng lúc nhiều chiến dịch marketing để đảm bảo doanh số. Đối với những mặt hàng có hạn sử dụng ngắn ngày, các hình thức khuyến mãi, giảm giá nhiều khi vẫn không giải quyết hết lượng hàng đến hạn đổi trả. Lý do đơn giản vì quá ít khách hàng biết thông tin để mua sản phẩm với giá ưu đãi, hoặc biết nhưng “ngại” đi. “Đây chính là sự thiệt thòi cho cả ba bên siêu thị, nhãn hàng và người tiêu dùng”, bà Lan Thanh nói.

Với sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường bán lẻ, gồm 750 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, 500 cửa hàng tiện ích và 8.500 chợ, rõ ràng khuyến mãi và nội dung giải trí sẽ là giải pháp để thu hút khách hàng. Mobile Instant App sẽ tạo ra con đường ngắn nhất để hàng đến tay người tiêu dùng, bằng việc cho phép siêu thị và nhãn hàng bắt tay tạo ra những mã sản phẩm ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Tam Hoàng, quản lý nhãn hàng C.C.Lemon (Suntory PepsiCo), nhờ áp dụng Mobile Instant App cho chiến lược tiếp thị sản phẩm mới mà 6.000 chai nước giải khát C.C.Lemon đã đến tay người tiêu dùng tại hệ thống siêu thị Co.opmart chỉ trong 10 ngày. Chiến dịch hoàn thành nhờ nhãn hàng này kết hợp cùng GFM, với sự hỗ trợ của Co.opmart trong khâu trữ hàng và dịch vụ.

Cụ thể, khách mua sắm sẽ bị thu hút tham gia game “Kéo chanh” tại hệ thống Co.opmart trong những ngày diễn ra chiến dịch trên. Cách chơi rất đơn giản, chỉ cần truy cập wifi miễn phí có tên C.C.Lemon, ứng dụng sẽ tự động hiển thị để người chơi điền thông tin và chơi game, không cần phải cài đặt app. Hoàn thành trò chơi, khách hàng được tặng mã khuyến mãi mua 1 tặng 1 dành cho sản phẩm C.C.Lemon.

Kết quả, chiến dịch này kết thúc trước 5 ngày so với dự tính và có 75.000 người nhìn thấy quảng cáo, 30.000 lượt truy cập tương tác qua game và tiết kiệm 60% chi phí cho Suntory PepsiCo. Ông Hoàng, C.C.Lemon, cho rằng chiến dịch thành công vì thỏa mãn 3 yếu tố cốt lõi trong bán hàng tại siêu thị: người tiêu dùng được giải trí và mua sản phẩm với giá tốt, nhãn hàng hoàn thành mục tiêu giới thiệu sản phẩm mới, còn siêu thị tăng lượng người mua sắm khi có sản phẩm tốt khuyến mãi.

Tính cá nhân hóa cao giúp tiếp cận đúng đối tượng

Nghiên cứu của Google Shopper Marketing Agency Council cho thấy 79% người sở hữu điện thoại thông minh sẽ đưa ra quyết định mua sắm hiệu quả hơn. Ngoài ra, có 84% người sử dụng điện thoại thông minh dùng thiết bị này làm trợ thủ đắc lực cho việc mua sắm tại siêu thị.

Dựa trên thuật toán phân tích dữ liệu người dùng từ đối tác công nghệ tại Úc, GFM chấp nhận bỏ ra một khoản tài chính lớn đầu tư và chi phí vận hành mỗi tháng cho giải pháp tiếp thị di động SOLOMO (Social – Location – Mobile) mang tên Mobile Instant App. Giải pháp này giúp các thương hiệu quảng cáo đúng thời điểm, đúng địa điểm, đúng giá và đúng đối tượng. Cùng với việc cung cấp wifi miễn phí, tạo sự tương tác qua các game, nhận quà tặng, chia sẻ trên Facebook, khách hàng còn bị hấp dẫn bởi cách tiếp thị thân thiện thông qua Mobile Instant App.

Một chuyên gia có mặt tại MMA 2015 khẳng định: “Sự gợi nhớ sản phẩm cho khách hàng bằng cách lặp lại hình ảnh của nhãn hàng với những tần suất hợp lý trong khung thời gian nhất định sẽ khiến người mua ưu tiên lựa chọn sản phẩm hãng đó hơn. Việc nhận biết hành vi của người tiêu dùng trên di động cũng chính xác hơn so với marketing trên web”.

Mobile Instant App đã làm được điều đó. Khi khách hàng quay lại siêu thị sẽ nhận được SMS chào mừng, đồng thời hiện lên danh sách những mặt hàng đang khuyến mãi dựa trên dữ liệu mua sắm tại siêu thị này.

“Nhãn hàng chỉ cần cung cấp cho GFM một chương trình khuyến mãi sản phẩm. Sau đó chúng tôi sẽ lập trình hình ảnh trên Instant App và truyền thông đến khách hàng đi siêu thị. Nói cách khác, GFM là nhà cung cấp và quản lý nền tảng công nghệ, các nhãn hàng làm chủ nội dung, thông điệp trên giao diện có sẵn nên chi phí bỏ ra không cao so với các tiếp thị di động khác”, bà Lan Thanh nhấn mạnh.

Mặt khác, tiếp thị trên Mobile Instant App không phụ thuộc nhiều vào thời gian và con người. Nhãn hàng có thể cho chạy chiến dịch 1 ngày, 2 ngày hoặc có thế ở 2-3 địa điểm siêu thị tùy theo tính chất quy mô của chiến dịch quảng cáo sản phẩm. Ðây là một trong những yếu tố quan trọng khiến các nhãn hàng lựa chọn kênh tiếp thị này, qua đó tiết kiệm thời gian và giảm chi phí nhân sự.

Truyền thông số tại điểm bán: một xu hướng tất yếu

Có tới 84% người sử dụng điện thoại thông minh dùng thiết bị này làm trợ thủ đắc lực cho việc mua sắm tại siêu thị.

Trên thế giới, tiếp thị trên di động cho bán lẻ qua wifi đã trở thành xu thế và một số hãng bán lẻ đã áp dụng thành công mô hình này. Ví dụ, tại thị trường bán lẻ liên quan đến dược phẩm ở Úc, chuỗi siêu thị Priceline Pharmacy với 373 cửa hàng đã ứng dụng In-Store Instant App. Kết quả, tỉ lệ người dùng coupon giảm giá tại hệ thống này tăng lên tới 25% và những cửa hàng dùng ứng dụng có mức doanh số tăng bình quân 17%.

Sự sáng tạo và đổi mới tại điểm bán lẻ là ở chỗ áp dụng công nghệ sẽ cung cấp trải nghiệm “thông minh” cho người mua. Thông qua các thiết bị cá nhân, người tiêu dùng sẽ trực tiếp cảm nhận được các lợi ích gắn kết với nhà bán lẻ. Theo báo cáo của Google về sự ảnh hưởng của công nghệ trong điểm bán, có 85% khách hàng sẽ đi đến cửa hàng bán lẻ vì biết rằng họ sẽ được các ưu đãi dành riêng cho mình và nhận được khuyến mãi theo nhu cầu của cá nhân.

Đánh giá về tiềm năng thị trường, bà Lan Thanh chia sẻ thêm: “Theo thống kê của GFM, tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, số lượng người đi siêu thị mỗi tháng là 4,5 triệu người với tần suất trung bình 1 lần/tuần. Hiện tại GFM mới khai thác 20% trong tổng số người đi siêu thị. Dự kiến đến năm 2018, Công ty sẽ khai thác hết 100% tiềm lực”.

Có thể nói, sự phối hợp giữa các bên gồm thương hiệu, nhà bán lẻ và nền tảng công nghệ của GFM sẽ giúp người đi mua sắm tại siêu thị hài lòng hơn. Cuối cùng, tiếp thị trên di động tại điểm bán cũng không nằm ngoài mục tiêu cung cấp đúng sản phẩm, đúng nhu cầu và đúng nơi bán hàng.

5/5 - (1 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here