Những chuyện khó ngờ phía sau các K.O.L Beauty

0
3026
Không chỉ dầu thơm, mỹ phẩm, mà ngay cả những mặt hàng được liệt vào dòng toiletries như dầu gội đầu, sữa tắm hay kem đánh răng đều dùng đến các K.O.L. để lan truyền sản phẩm trên mạng xã hội.

K.O.L. là từ viết tắt của Key Opinion Leader – chỉ những người có tầm ảnh hưởng tới khách hàng và quyết định của họ. KOL có thể là ngôi sao, hot instagram, beauty blogger, vlogger hay bất kì ai đam mê review mĩ phẩm.

KOL MỸ PHẨM: HỌ KIẾM TIỀN TỪ ĐÂU?

Chúng ta luôn tự hỏi, K.O.L mỹ phẩm họ kiếm tiền từ đâu? Và số tiền họ kiếm được có đủ khấu hao bộ sưu tập mỹ phẩm họ vừa mua để review, hay chi phí để sản xuất ra một video dạy makeup?

KOL mỹ phẩm hoạt động ở nhiều platform – Facebook , Instagram, Youtube, Blog… Một số chỉ chuyên viết ( blogger ), và một số chỉ chuyên làm video (vlogger). Sẽ có những dạng review mà bạn có thể tìm được trên page của những nhân vật trên: tự trải nghiệm hoặc sponsored post – những bài viết được tài trợ.

Đừng tưởng chỉ cần đăng tải một video dạy trang điểm trên Youtube thì sẽ dễ dàng kiếm bộn tiền từ lượt view chục hay trăm ngàn vì doanh thu từ lượt view của Youtube Việt Nam là cực thấp!. Trong khi đó, chi phí những vlogger/blogger bỏ ra để sản xuất có thể lên đến chục triệu. Nhưng tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Nếu những nội dung họ làm được đón nhận và yêu thích, các beauty blogger/vlogger sẽ gặt về cho mình hợp đồng PR. Tùy theo lượng truy cập, lượng tương tác với độc giả, chất lượng bài viết, và sự thỏa thuận của hai bên, mức phí agency trả những beauty blogger cho một bài viết hay một lần giới thiệu sản phẩm trong video sẽ thay đổi. Mỗi beauty blogger sẽ có bảng giá riêng của mình tùy theo tầm ảnh hưởng.

Tham khảo bảng giá của Wendy Cheng (@xiaxue) – blogger nổi tiếng người Singpore.

· Đi bài trên blog: $3,500 trở lên
· Quảng cáo banner: $500/tháng
· Quảng cáo bằng Youtube video: $4,000/video
· Bài viết trên Facebook: $300
· Twitter: $300

Tham khảo bảng giá Việt Nam

– Giá sản xuất 1 video beauty tutorial chuyên nghiệp nghiệp với chất lượng khá: 7-10 triệu
– Thời gian để cho ra được video: 1-2 videos/tháng
– Số tiền agency trả cho 1 lần feature sản phẩm trong video: 3-6 triệu/ lần.

Một số bạn blogger tự dùng máy ảnh tự quay, tự edit bằng phần mềm free thì không tốn tiền sản xuất, lấy công làm lời. Những cách này 1 tháng có thể ra tới 4 videos.

Tại Việt Nam, với mức sống thấp hơn, các beauty blogger nhận được trung bình 5 triệu cho một bài PR trên blog. Chi phí làm video tùy thuộc vào độ phức tạp mà nhãn hàng yêu cầu (từ 2,5 triệu – 20 triệu). Tuy nhiên, con số đó nếu so với công sức và chi phí sản xuất video thì cũng chẳng thấm thía vào đâu. Vì vậy, công cuộc xây dựng sự nghiệp Influencer hay K.O.L. không dành cho những người nhìn ngắn, muốn ăn ngay, đây là sân chơi của những người dám đầu tư, kiên trì, có chiến lược và quan trọng là “lì đòn”. Thông thường, các Beauty K.O.L. sẽ có một công việc khác song song với sự nghiệp online mà mình đang xây dựng.

Bên cạnh việc làm beauty blogger, Primmy Trương làm việc trong lĩnh vực tài chính.

Chloe Nguyễn – cô nàng sinh năm 1997 – hiện đang là sinh viên đại học RMIT còn là một Youtuber dạy makeup.

MỸ PHẨM SẼ ĐƯA BẠN ĐI XA TỚI ĐÂU?

Tại các nước phát triển, blogger và Youtubers có thể gọi nghề làm clip và blog là nghề full-time nhờ vào số tiền hậu hĩnh họ nhận được từ Youtube và quảng cáo. Trái lại, tại Việt Nam, đa số các beauty blogger/vlogger đều là sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng, MC, người mẫu, hoặc có một công việc ổn định khác bên cạnh việc làm blog.

Hạnh Mai (@mailovesbeauty) là một trong những full-time blogger hiếm hoi của Việt Nam

Zoella Sugg (@zoella) – cô nàng Youtuber người Anh đã soán ngôi sách bán chạy của J.K Rowling và E.L James sau khi xuất bản cuốn sách Girls Online.

Desi Perkins – Youtuber dạy makeup nổi tiếng

Hình ảnh đôi môi swatch son signature của Chang Makeup.

Sự lấp lánh khi làm K.O.L mỹ phẩm sẽ đem lại cho bạn đó chính là được dự đủ thứ các event ra mắt mỹ phẩm, nước hoa… . Lâu lâu, một hộp quà bất ngờ từ nhãn hàng sẽ được gửi đến trước cửa nhà để bạn tha hồ cảm giác lâng lâng và chụp hình sống ảo. Bạn up ảnh được thật nhiều like. Tiếng nói của bạn có giá trị vì người người yêu thích mỹ phẩm sẽ vào inbox cho bạn để xin lời khuyên.

Một số beauty blogger quyết định lấy việc làm blog để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Tại Việt Nam, cũng có một số beauty blogger mở shop bán mỹ phẩm online như An Phương (@letsplaymakeup), Trang Ngô (@changmakeup), Loan và Diệp (@loveat1stshine).

Ngoài ra, có rất nhiều make up artist chuyên nghiệp đã tận dụng kiến thức chuyên sâu về trang điểm của mình – chuyển hướng sang làm K.O.L mỹ phẩm, và phát triển rất xa trong sự nghiệp của họ. Điển hình, cô nàng Amata Chittasenee (@pearypie) người Thái Lan không chỉ là một makeup artist tại các fashion show lớn tại nước ngoài, mà còn nhận được rất nhiều hợp đồng quảng cáo khi cô biết cách sử dụng hiệu quả hình ảnh trên mạng xã hội của mình. Cô không còn là một K.O.L đơn thuần nữa, mà đã trở thành một icon cho một giá trị đẹp phá cách, lạ, và nổi loạn. Vừa qua, cô nàng makeup artist của Hàn Quốc – Pony (@ponysmakeup) cho ra dòng trang điểm riêng Pony Effect cùng với sự ủng hộ từ lực lượng fan hùng hậu (hơn 2,1 triệu followers) trên mạng xã hội. Jeffree Star cũng không thể nào lấn sân sản xuất mỹ phẩm mang tên của mình nếu không nổi tiếng bởi việc làm đẹp trên Youtube.

Nếu biết sử dụng hình ảnh của mình một cách hiệu quả, và vạch ra tầm nhìn – sứ mệnh rõ ràng cho bản thân, cùng với lực lượng fan hùng hậu, các K.O.L sẽ có tiềm năng tiến xa trên con đường đam mê làm đẹp của mình.

Pony và hãng makeup Pony Effect cô vừa cho ra mắt vào năm 2016

Chàng trai makeup sinh năm 1985 Jeffree Star cũng là khuôn mặt đại diện cho thương hiệu cùng tên do anh sáng lập.

Tại Việt Nam, cuộc sống của một K.O.L beauty khá bận rộn: cân bằng công việc chính và công việc làm blog và video. Do đó, đa phần họ đều mất hết thời gian cho chính bản thân mình. Về mặt lâu dài, liệu có đảm bảo rằng các K.O.L sẽ không cảm thấy đuối sức, đuối ý tưởng và cần được nghỉ ngơi? Rõ ràng, đây là một sự nghiệp rất lấp lánh, sân chơi của đam mê, nhưng không hề dễ xơi. Giống như mọi ngành nghề khác, K.O.L. muốn hoạt động chuyên nghiệp và lâu dài cần research về cách xây dựng thương hiệu bản thân, tổ chức sản xuất và cả tự sale cho bản thân mình để đem về những hợp đồng tốt.

Xử lý khủng hoảng

Chúng ta từng biết Michelle Phan để đến được thành công đã bao nhiêu lần phải xử lý các kiểu khủng hoảng mệt đầu. Tất nhiên không phải một mình Michelle gặp khó khăn, ai cũng phải gặp những ngã rẽ lựa chọn: Hoặc đối đầu và giải quyết khủng hoảng, hoặc dừng lại.

Cách đây không lâu, blog làm đẹp LoveAt1stShine đã dính vào vụ lùm xùm cùng nhà tài trợ trong việc tổ chức giveaway. Căn nguyên sự việc xuất phát từ sự chểnh mảng trong khâu tổ chức của chủ page – đã dẫn đến việc ghi sai tên nhà tài trợ và thiếu sót sản phẩm giveaway, khiến cho nhiều người hiểu lầm rằng quà của nhà tài trợ đã bị chủ page ‘bỏ vào túi riêng’. Sự việc có thể không quá nghiêm trọng, nhưng đối với một beauty blogger đi xin tài trợ của doanh nghiệp để làm giveaway cho fan là một vấn đề vô cùng nhạy cảm mà bất cứ beauty blogger nào cũng nên khắc cốt ghi tâm và tránh mắc phải.

Ngoài fan, các beauty blogger cũng gặt về vô vàn các anti-fan, comment khiếm nhã và dislike trên Youtube. Không chỉ bị anti-fan ‘vạch lá tìm sâu’, bị tố ăn cắp ý tưởng (khi cùng đồng loạt review một loại sản phẩm) trong khi các haters không mảy may biết rằng loạt bài quảng bá sản phẩm đó đều thuộc chung một chiến dịch PR của một nhãn hàng. Một blogger Việt Nam cho biết: “Để trở thành một beauty blogger tốt phải tốn nhiều chất xám, tiền bạc và công sức. Nên những lúc bị chê bai, dislike, nói xấu, cũng thất vọng ít nhiều vì cảm giác sự cố gắng của mình không được trân trọng. Tuy nhiên, đam mê nào cũng phải vượt qua thử thách mới đáng gọi là đam mê”.

Mặt khác, làm đẹp là một vấn đề mang tính cá nhân vì da và cơ địa của mỗi người đều khác nhau. Do đó, sản phẩm có thể tốt đối với blogger A, nhưng khi độc giả mua về dùng lại bị dị ứng nổi mẩn, sau đó quay lại tố blogger A ăn tiền, nói dối. Công việc này cũng giống như làm dâu trăm họ, không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người. Đó là chưa nói không phải beauty blogger nào cũng trung thực hoàn toàn với sản phẩm mình giới thiệu. Đôi khi họ chỉ nhận tiền và thực hiện nội dung nhưng chưa thử qua sản phẩm, hoặc như trường hợp một blogger cho biết:

“Đôi lúc sản phẩm son trả tiền cho mình lên màu không đẹp, nên hình ảnh swatch son lên tay muốn đẹp phải dùng son khác, chụp ảnh thôi mà! Và tất nhiên phải chỉnh filter!”.

Nghề nào cũng có phe mũ trắng và phe mũ đen. Phần thưởng càng hào nhoáng thì phía sau càng kỳ công và không tránh khỏi những lắt léo, trúc trắc và cả cạnh tranh không lành mạnh. Để biến K.O.L mĩ phẩm thành một sự nghiệp, bạn cần có đường lối và chiến lược rõ ràng và bài bản để hoạt động lâu dài. Hãy thử nghĩ xem bạn có thể làm gì để 5-10 năm sau, ngành công nghiệp làm đẹp, các follower và fan hâm mộ vẫn xem bạn là ‘tượng đài’ mà họ cần phải luôn dõi theo không chán ngán. Chúc bạn thành công!

Nội dung hợp tác với tạp chí 2!

5/5 - (5 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here